Chào bạn,
Đây là newsletter thứ 100 của Many One Percents, và mình muốn dành nó để chia sẻ với bạn đôi dòng suy nghĩ về hành trình hơn 3 năm viết blog/newsletter. Lá thư này sẽ không có các công cụ công nghệ, hoặc các phương pháp cải thiện năng suất, nhưng đâu đó trong lá thư này mình nghĩ bạn có thể tìm được một chút giá trị nếu bạn là người thích viết, đang muốn thử viết, hay chỉ đơn giản là thích các con chữ.
Lá thư này sẽ dài, ít tách đoạn, ít gạch đầu dòng, ít những cách formatting mà mình hay dùng để giúp bạn đọc nhanh hơn và cảm thấy hấp dẫn hơn. Đây sẽ là một lá thư chậm, không hề có một dàn ý từ trước, và từng con chữ này đang được đi ra trực tiếp từ cảm xúc của mình lúc 10 giờ tối ngày thứ 6 - 2 ngày trước khi lá thư này tới tay bạn. Và vì thế, mình hi vọng bạn có thể đọc nó thật chậm.
Mình chưa bao giờ nghĩ mình là một cây viết tốt. Từ hồi bé cho tới mãi gần cuối cấp 2, văn học đối với mình là cái gì đó mà chỉ một số bạn có khả năng thiên phú mới làm được. Mình luôn thầm ngưỡng mộ mấy bạn - sau bài kiểm tra một tiết - được cô giáo "mượn" bài để đọc trước lớp. Lúc đấy mình chỉ tự hỏi tụi nó ăn cái gì mà có thể mô tả một cái vườn chả có vẹo gì hay như thế. Suy cho cùng cũng chỉ là lá với hoa thôi mà. Lâu lâu mình cũng mượn bài tụi nó về nhà đọc lại, xong còn lôi văn mẫu ra để so sánh xem tụi nó có học thuộc không. Thật là tức khi văn mẫu còn không viết hay bằng tụi nó nữa.
T.P từng bảo với mình rằng văn mình khô, nhưng không phải là khô vì mình không đủ cảm xúc viết, mà khô vì mình chỉ biết viết đúng một kiểu. Mở bài kiểu "Nhà em có một ông nội, sau đây em sẽ tả ông nội em". Thân bài kiểu một cục chữ dài ngoằnggggg rồi kết bài là "em rất yêu ông nội em em sẽ cố gắng học giỏi để ông được vui lòng”. Nó rập khuôn và vô cùng máy móc. T.P bảo mình chỉ cần phá ra được khỏi khuôn mẫu này, tự do hơn một tí, phóng khoáng hơn một tí, là văn của mình sẽ hay hơn rất nhiều. Dĩ nhiên, mình không tin T.P.
Năm lớp 12 mình ôn thi đội tuyển Anh. Không có nền từ nhỏ nên phải chật vật lắm mình mới theo được các bạn trong tuyển, thành ra vừa ôn thi mà lại vừa lo ngay ngáy là lỡ tạch thì vừa chẳng có giải để vào thẳng đại học, vừa không đủ thời gian để học kiến thức Toán Văn. Thi xong, mình có đúng một tháng để học lại từ đầu toàn bộ kiến thức lớp 12. Mình nhờ T.P bổ túc kiến thức Văn 12 trong đúng một tháng đó. Gần như ngày nào cũng cắp sách ra mua kem 3k ở KFC rồi nhờ T.P dạy.
8
Mình không tin là mình được 8 văn thi đại học.
Tới ngày hôm nay mình vẫn không hiểu vì sao ngày đó mình chỉ ôn vỏn vẹn 1 tháng mà được ngần đó điểm. Nhưng chính việc này lại cho mình niềm tin vào lời T.P từng nói hơn một chút: chỉ cần phá bỏ khuôn mẫu thì văn mình tự khắc sẽ hay.
Mình luôn coi T.P, cùng văn học, hay, viết lách nói chung, là một phần thật đẹp của tuổi trẻ, và sẽ mãi chỉ là một phần của quá khứ mà thôi, vì mình không bao giờ nghĩ sẽ viết nhiều nữa, hoặc ít nhất là viết một cách nghiêm túc như kiểu viết 2,3 tờ giấy thi để phân tích vẻ đẹp của một đoàn xe không kính. Thế mà tới ngày hôm nay, mình vẫn viết, thậm chí viết đều, viết nhiều là đằng khác. 100 newsletters không phải là nhiều nếu mình nhìn lên những người khác, nhưng cũng là một hành trình dài nếu mình nhìn lại ba năm vừa qua. Mình chợt nhận ra rằng 100 lá thư này đã chứng kiến cuộc sống của mình nhiều hơn đa số những người mình (từng) gặp hằng ngày, từ cái ngày mình mới chuyển vào Sài Gòn, cho tới bây giờ ở tận tít đảo quốc con sư tử phun nước. Nhiều lúc mình đã tự hỏi, tại sao mình cứ phải viết thế này làm gì? Tại sao mình cứ phải dành cuối tuần ngồi chết dí ở một xó (khi là nhà, khi là cafe), trong khi mình có thể học thêm một cái gì đó, như kiểu đầu tư chứng khoán chẳng hạn - thứ mà ai ai mình gặp cũng bàn tán (còn mình thì ngồi ngơ ngác). Hoặc là học thêm về ngành, hoặc học một ngôn ngữ nào đó, nghe thêm một cái podcast. Nếu bạn tốt nghiệp Ngoại Thương giống mình thì sẽ chẳng khó để quen (và suốt ngày nhìn thấy) nhiều người bạn rất xuất chúng trong một lĩnh vực nào đó - peer pressure sẽ lớn tới nỗi bạn sẽ luôn khắt khe với cách bản thân tiêu xài thời gian rảnh. Lúc nào cũng là cái suy nghĩ "cái mình đang làm khéo không giá trị bằng cái chúng nó đang làm"
Hôm trước gọi điện cho Đ.N. Đ.N hỏi mình có nhớ cái hồi đi ăn chè vỉa hè xong mình than là mình viết mãi nản quá, chẳng biết viết để làm cái gì. Mà cái hồi đấy là từ lâu lắc lư rồi cơ, nghĩa là không phải tới khi mình viết được bảy chục tám chục lá thư rồi mới bắt đầu rầu rĩ.
Việc viết chẳng bao giờ là dễ dàng. Lôi những suy nghĩ (mà mình tưởng là hay) ở một hẻm hóc nào đó ở trong đầu lên trang giấy là một cảm giác rất trần trụi, vì khi ở trên trang giấy nó lõa lồ và xấu xí hơn mình nghĩ rất nhiều. Chẳng khác gì mình cởi truồng đứng trước gương và mắt mình thì chỉ dán vào mấy thớ mỡ bụng lổn ngổn và một số thứ khác không được đẹp đẽ cho lắm không tiện nêu ra ở đây. Và khi mình viết cho người khác đọc, thì cũng chẳng khác gì chụp lại thằng cởi truồng trong gương xong gửi cho người khác. May mắn, người ta sẽ nhìn thấy ba cái lỗi chính tả mà mình sẽ chống chế là viết vội quá nên quên sửa thôi. Tệ hơn thì người ta sẽ nhìn thấy lỗ hổng trong cách mình lập luận, và tệ hơn nữa thì người ta sẽ đoán được một phần tính cách, con người thực sự của mình qua từng con chữ - người ta đọc mình càng lâu, thì cái đó càng rõ ràng. Đấy là chưa kể cái sự áp lực. Viết cho người khác viết cho mình. Có thể người ta không huỵch toẹt ra yêu cầu mình phải viết thế này thế kia, nhưng bản thân mình không tránh khỏi việc tự đặt ra những tiêu chuẩn rất cao về một bài viết. Cái sự tiêu chuẩn cao tưởng tượng đấy là một thứ cực kì nguy hiểm. Hôm nào mình vui vẻ yêu đời thì không sao, hôm nào hơi stress hoặc có chuyện buồn một chút là nó sẽ chui ra sau lưng đâm mình cái "pặp". Nó là cái thằng luôn chửi mình thiếu sáng tạo, ý tưởng này ai cũng biết, giọng văn hôm nay hơi giống một KOL nào đó trên mạng bài viết mới được 1k like hôm qua, hoặc chỉ đơn giản là "sẽ chẳng có ai thích nội dung này đâu". Bạn hãy tưởng tượng bạn đứng giữa, chính giữa nhà thi đấu đa năng tỉnh Quảng Ninh, mọi ánh đèn và ánh nhìn của hơn 5000 người chĩa về phía bạn, để nói về một cái gì đó bạn thấy hay ho. Nếu ít người thì có thể chúng ta còn dám flex, nhưng ngần đó người thì thế nào chẳng có ai đó vjp pr0 hơn mình và sẽ nhận ra là mình chẳng hiểu cái mẹ gì mình đang nói cả. Chà, và nếu lỡ nói sai thì sẽ nhục mặt lắm. Đúng, đó là cảm giác của mình khi viết newsletters của Many One Percents.
Ờ thế rồi mà lại vẫn viết. Đi làm về mệt mỏi, cuối tuần đi chơi xa, về Hà Nội thăm bố mẹ, ốm, sốt, cô đơn. Dù thế nào thì cuối cùng vẫn ngồi vào bàn viết. Vấn đề chưa bao giờ là có nên viết (nữa) hay không, hay viết về cái gì, mà là nếu không viết thì mình sẽ ra làm sao. Và...yeah, khá là làm sao đấy. Một tuần không viết, vì những lý do kể trên, thì chẳng sao cả, nhưng mà 1 tuần 2 ngày, 3 ngày hay tới 4 ngày thôi là biết mùi nhau ngay. Biết là viết khó chịu như thế, nhưng nếu không viết cảm giác còn khó chịu hơn. Nó kiểu bứt rứt, quặn quặn trong bụng. Đầu óc lúc nào cũng hơi bay bay, cảm giác chẳng tập trung được gì. Dù có ngủ 10 tiếng một đêm thì ngày hôm sau vẫn trôi qua tuồn tuột như uống thuốc xổ, chẳng đọng lại được điều gì. Việc viết cho người khác có cái hay là mình có áp lực phải viết đều đặn hơn, và điều đó là một excuse tuyệt vời để mình gạt bớt mọi thứ sang một bên, ngồi xuống, viết.
Để cho bạn dễ mường tượng thì việc viết với mình như kiểu thả một mũi neo chắc nịch xuống để giữ cho đầu óc không bị cuốn theo dòng chảy của cuộc sống. Khi mình viết, nội dung có thể dành cho bạn, nhưng hành động viết, edit bài viết và đọc lại bài viết thì lại dành cho mình. Oh, yes, đọc lại bài viết. Bạn đã bao giờ tự đọc lại những gì mình từng viết chưa? Nếu không cringe thì thôi chúng ta đừng nói chuyện nữa. Nó phải hơi "ew" một tí thì mới có nghĩa là chúng ta đã lớn lên, đã thay đổi chứ. Trong lớp dạy viết, mình vẫn hay ví việc viết như xây một cỗ máy thời gian: bạn viết càng lâu thì cỗ máy thời gian càng khỏe, và bạn sẽ đi được càng xa về quá khứ, và càng sâu vào trong bản thân mình.
Viết lách là một cuộc đấu vật giữa lý trí và cảm xúc không hồi kết. Vấn đề của cái sự khó chịu khi mình không viết nằm ở chỗ nó không tồn tại 24/24. Khi nó không ngoi lên, những thứ cảm xúc khác như peer pressure và nỗi lo về mặt tài chính sẽ xuất hiện và khiến mình đặt những câu hỏi mang tính lịch sử về mục tiêu của đời mình. Đấy là lúc mình cảm thấy thiếu tự tin nhất về việc dành quá nhiều thời gian cho viết lách. Và để tự cứu bản thân ra khỏi cái vực đó, thì mình sẽ tự bào chữa cho việc viết bằng những lý do hết sức lý tính, kiểu nhờ có viết mà mình được gặp anh A chị B, nhờ có viết mới có cơ hội gặp Akwaaba Tùng và mở lớp dạy viết, nhờ có viết mà mới có job như bây giờ, vân vân và mây mây. Nói thực thì mình không biết cái gì có trước, đống lý do rational đó hay sự khó chịu khi không được viết của mình, và cũng không biết cái gì mới là cái chính giúp mình viết tới tận ngày hôm nay. Chỉ biết là, cả hai vẫn luôn tồn tại, và luôn ở trong một trạng thái lơ lửng mơ màng.
Có một thứ ít vô định mà mình cảm thấy chắc chắn nhất để mô tả về động lực viết của mình đó là sự kết nối. Sự kết nối là thứ mình có thể tự tin mô tả nó có hình có thù, và trong thâm tâm mình biết là nó đúng, nó real, nó authentic tựa như cái sự khó chịu của mình khi không được viết. Cái cảm giác mà bạn được nhận lại một lá thư từ người khác, dài thật dài, nó sung sướng lắm. Lại càng sung sướng hơn khi mà người ta cảm ơn bạn vì bạn đã cung cấp được một cái gì đó mới, hay chỉ đơn giản là nói đúng nỗi lòng của họ. Lại càng sung sướng hơn nữa khi người ta bảo rằng người ta chọn đọc lá thư dài ngoằng của bạn thay vì lướt Tiktok với Youtube. Lại càng sung sướng nữa nữa nếu người ta bảo người ta luôn đón chờ mail của bạn mỗi tối chủ nhật. Xong, người ta lại còn chia sẻ những câu chuyện và vấn đề rất thầm kín mà có lẽ bình thường có cậy miệng ra cũng chẳng (dám) kể. Điều tuyệt vời nằm ở chỗ: họ viết. Họ viết nghĩa là họ cũng phải đối diện với tất cả những gì xấu xí và thiếu logic nhất trong suy nghĩ của họ, cộng thêm kĩ năng viết của họ nữa. Và khi mà họ viết dài thì có nghĩa họ cũng phải trải qua một cuộc chiến vô cùng dữ dội trước khi gửi lá thư đó cho mình. Nghĩ về công sức mà họ bỏ ra theo cách đó, mình thấy vui nhiều lắm.
Và mình muốn đặc biệt cảm ơn những bạn ấy, những người đã chịu khó reply lại email của mình hoặc comment trên các bài viết của mình. Các bạn khiến mình cảm thấy không cô đơn và đang không làm một điều vô nghĩa.
Mình muốn cảm ơn những bạn dù chưa bao giờ nhắn tin cho mình, nhưng đã forward email của mình tới bạn bè và đồng nghiệp. Mình biết điều đó xảy ra, vì mình chẳng làm marketing gì cho Many One Percents cả và lâu lâu vẫn có đôi ba người subscribe. Mình cảm ơn sự giúp đỡ âm thầm của các bạn.
Nếu mình và bạn chưa bao giờ trao đổi thư từ với nhau, mình cũng muốn cảm ơn bạn rất nhiều. Nếu bạn đã đọc email của mình, bạn đã xuất hiện dưới dạng con số tỉ lệ mở mail của mình. Sau mỗi lần gửi, nhìn thấy con số đó tăng lên là mình cảm thấy vui lắm.
Mình muốn cảm ơn các bạn đã đồng hành cùng mình từ những số đầu tiên, khi mình còn đang chật vật với việc định hình nội dung và định hướng chung của Many One Percents. Rất nhiều bạn vẫn còn đọc email của mình tới ngày hôm nay, và điều đó thực sự có ý nghĩa với một cây viết như mình. Newsletters của mình có nhiều người đọc hơn thì vui thật đấy, nhưng biết rằng dù mình làm gì vẫn luôn có một nhóm nho nhỏ ủng hộ và theo dõi, chà, tuyệt cú mèo.
Viết lách giống tập gym và thiền ở chỗ bạn phải làm nó đủ lâu thì mới nhận thấy được giá trị của nó. Cái "đủ lâu" đấy phụ thuộc vào mỗi người, và cái "giá trị" cũng muôn hình muôn vẻ. 6 múi trên cơ thể anh kia sẽ khác 6 múi trên cái bụng mỡ của mình. Cảm thấy bình tĩnh và trọn vẹn (sau khi viết) đối với mình sẽ khác đối với bạn. Vì thế mình không bao giờ cố gắng dụ dỗ hay thuyết phục ai phải viết. Và mình càng hiếm khi đưa ra lời khuyên làm sao để viết được đều đặn. Đối với mình, cả hai đều là hệ quả của một nhu cầu cấp thiết nào đó. Nếu bạn không có thì có nghĩa là bạn không có. Và ngay cả khi bạn có, chưa chắc viết lách đã là giải pháp phù hợp nhất với bạn. Nhưng một khi nó đã hợp, thì chắc chắn bạn sẽ không cần phải hỏi người khác làm sao để làm nó đều đặn hơn. Không có con nghiện nào phải đi hỏi người khác làm sao để vỗ ven đều đặn cả.
Mình vẫn luôn có một suy nghĩ rằng mình có thể kiếm tiền từ việc mình yêu thích. Đó là lý do vì sao vào tháng 10 năm ngoái mình quyết định khóa hết nội dung của newsletters này và chỉ ai trả tiền mới có thể đọc được. Cụ thể, mình hứa với những bạn trả tiền rằng mỗi tháng bạn sẽ nhận được 4 emails, còn các bạn không trả tiền sẽ chỉ nhận được một thôi. Sau 6 tháng thử nghiệm, mình nhận thấy mô hình này không phù hợp với mình. Áp lực phải viết mỗi tuần vì có người trả tiền làm cho mình thấy ngộp thở và dần chán ghét việc phải ngồi xuống để viết. Ý tưởng đâu phải lúc nào cũng chảy ra tồ tồ được. Và đâu phải tuần nào mình cũng đủ sức khỏe và rảnh rỗi để mà viết được đâu. Viết lách là cách mình tự xây dựng một thế giới nơi mọi luật lệ là do mình tạo ra. Đây, trái ngược với thế giới công sở ngoài kia, là nơi mình được tự do nhất: làm những gì mình nghĩ, theo cách mà mình muốn, không phải theo một business model hay framework nào cả. Sự can thiệp của đồng tiền chẳng may bẻ gãy mối liên kết của mình với thế giới đấy, thế giới mà mình được thực sự sống, và đó là lý do vì sao mình dừng lại. Tiền bạc đi kèm với kì vọng. Bất cứ ai trả tiền đều mong đó là đồng tiền xứng đáng nhất. Mình thì mong bạn ở lại với newsletters này vì bạn cảm thấy được giá trị và sự kết nối, chứ không phải vì bạn đã trả tiền.
Sau thí nghiệm này mình mới nhận ra rằng, mình càng tự do với việc viết bao nhiêu, thì mình càng làm nó đều đặn bấy nhiêu. Càng ép thì lại càng không muốn viết. Thế nên nếu bạn đang muốn đặt mục tiêu mỗi ngày/tuần/tháng phải viết một bài, bạn có thể thử cho phép bản thân viết và đăng bất cứ khi nào bạn có cảm hứng. Sự đều đặn cũng chỉ là hệ quả của một nhu cầu cấp thiết - chia sẻ cảm hứng với thế giới bên ngoài.
Mình hay "fancy hóa" việc viết Many One Percents giống như ghi lại những thước phim ngắn về cuộc đời mình. Mỗi lá thư là một episode, nơi mà người anh hùng (yep, it's me) trải qua 1001 khó khăn xong nhận ra được bài học cuộc sống (nghe vĩ đại gớm :v). Rõ là mọi người rất thích xem ba cái stories trên instagram hay là truyền hình thực tế hoặc là "A day in the life of a [điền nghề nghiệp]" trên youtube, vậy nên hẳn sẽ có ai đó muốn xem "bộ phim" này của mình. Nói thực là mình không biết mình sẽ tiếp tục "làm phim" tới bao giờ, và "bộ phim" này sẽ đi tới đâu. Cơ mà khi cuộc sống và sức khỏe và tâm trí vẫn cho phép mình tiếp tục, thì mình sẽ chưa dừng lại. Hi vọng nếu bạn cũng đang theo đuổi một cái gì đó "just for the sake of it" thì bạn cũng sẽ không dừng lại. Sự tận tâm là một cái gì đó thật quyến rũ.
Mình xin được kết thúc lá thư này bằng một lời cảm ơn nữa tới tất cả các bạn đọc của Many One Percents. Cảm ơn chay thì chẳng biết bao nhiêu là đủ. Thôi thì mình sẽ tiếp tục viết để cho các bạn được vui lòng =))))) Như mọi khi, chúc bạn có một buổi tối chủ nhật thật an lành và một tuần mới thật năng suất!
Hẹn gặp lại các bạn ở lá thư số #101 ✌️
Tuấn Mon
This really took me more than 1 reading times, Tuan. I love your writing, thoughts, feelings & the way you reply (in a very very very thoughtful & attentive way). Have you ever thought that, you are somebody that puts "peer pressure" on others (like me), like: oh wow, he's so cool, & how about me? haha. Keep going, Tuan, I can see your many 1%s better than your very first day. ^^
Em bắt đầu đọc MOP từ những số khá mới, những ngày còn note hẳn 1 mục todo list là lướt trên website lẫn fanpage FB để tìm post MOP đọc. Em muốn cảm ơn anh vì sự bền bỉ và nỗ lực tiếp tục newsletter này trong suốt mấy năm qua. It has become my habits to wait for your email every Sunday. It's not only your need to write, but also our need to read, to learn and to hear from you. Thank you so much for your continuous effort.
Hope all the best for you and this newsletter.