Chào buổi tối!
Bạn vẫn khoẻ chứ?
Chà, vèo một cái mà đã sắp hết năm rồi đấy… Bạn đã bắt đầu làm year-end reflection ở công ty, hay cho bản thân chưa?
Nếu chưa thì tranh thủ làm luôn đi, để dành Giáng Sinh với năm mới còn đi chơi~
Mình thì mấy tuần nữa sẽ tranh thủ tạt về (một nơi nào đó ở) Việt Nam để hít tí khí lạnh cho đỡ nhớ =))
Mà trước khi reflect thì nhớ đọc bài viết tuần này nghen =))
“Cháu làm trái ngành”
Mình nghĩ rằng sự ngạc nhiên của một ai đó nói lên rất nhiều điều về họ.
Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, mình lại được/phải gặp những người họ hàng xa hoặc bạn bè của bố mẹ. Và dĩ nhiên, câu hỏi về ngành nghề sẽ luôn đi sau lời chúc mừng năm mới.
“Cháu đang làm gì?”
10, 20 năm trước đây, cái nghề “Product Manager" còn chưa tồn tại, hay thậm chí bây giờ ở Việt Nam, cũng chưa nhiều người biết đến. Mình thường chọn cách trả lời vui vẻ: “Cháu làm lập trình viên, nhưng không code. Cháu làm thiết kế, nhưng không vẽ. Cháu làm bán hàng, nhưng chẳng bao giờ gặp khách trực tiếp cả.”
Sau khi biết được (hòm hòm) mình làm gì, và làm ở đâu (một công ty công nghệ), 9/10 người sẽ luôn follow-up với câu hỏi: “Thế ngày trước cháu học trường nào?"
Và khi họ biết mình tốt nghiệp Ngoại Thương?
.
.
Vâng, cháu làm trái ngành!
Ban đầu, mình thấy rất ngạc nhiên khi ai cũng… ngạc nhiên vì mình làm trái ngành. Mình chưa bao giờ thực sự nghĩ về chuyện đó từ khi ra trường cho tới nay. Có vẻ nó là một chuyện to tát.
Những cuộc trò chuyện với bố mẹ mình phần nào cho mình thấy một lát cắt trong suy nghĩ của họ.
“Con có công việc mới à, chỗ đó con có áp dụng được những thứ hồi học Ngoại Thương không?”
“Con đang học lập trình để làm việc tốt hơn à? Ngày xưa trên trường có môn đấy không?”
Trong quan niệm của người “lớn" (ám chỉ: những người thuộc thế hệ bố mẹ mình), có một sự liên kết chặt chẽ giữa giáo dục truyền thống và nghề nghiệp, tức: học gì, làm nấy.
Học trường Sư Phạm, chắc chắn mai sau làm giáo viên.
Học trường Ngoại Ngữ, chắc chắn mai sau đi làm phiên dịch.
Học trường Ngoại Thương, chắc chắn mai sau làm sếp chỉ tay năm ngón (eiii just kidding :>)
Đại học, dựa theo khái niệm này, là nhà máy cung cấp lực lượng lao động chuyên môn cao cho thị trường. Khi chúng ta tốt nghiệp, chúng ta được yêu cầu phải (ngay lập tức) đem kiến thức thu nạp được trên ghế nhà trường để tạo ra giá trị cho các doanh nghiệp. Bất cứ kiến thức gì ở đại học cũng phải mang một ý nghĩa, một mục đích lâu dài nào đó. Và để chúng ta không bị lung lạc mải mê hái hoa bắt bướm để rồi chẳng thật sự giỏi cái gì cả, chúng ta cần có một sự tập trung, một sự chuyên môn hoá,
một “ngành".
Đối với mình, 30% áp lực thi vào đại học đến từ độ khó của nó và cái sự nghiêm túc và trật tự mà cả xã hội dành ra vào 3 ngày thi (Dân Trí đưa tin: anh công an dẹp đường cho thí sinh đến muộn, bố mẹ ngắc ngoải đội nắng chờ con, giá nhà trọ tăng đỉnh điểm mùa thi…)
70% còn lại, đến từ áp lực phải lựa chọn một “ngành” và phải cam kết với nó suốt 4 năm và (do đó) (vì bị áp lực xã hội nên khả năng cao là) phải cam kết với nó suốt 40-50 năm sự nghiệp còn lại.
18 tuổi, mấy ai biết được mình thích làm gì? Vừa bước chân ra khỏi cuộc đời cấp 3 học tối tăm mặt mũi từ sáng tới khuya, từ thêm tới nếm, trải nghiệm chưa có một miếng bỏ túi, hoạ hoằn lắm là biết mình thích đứa nào trong lớp (và may mắn: biết nó có thích mình hay không), thì làm sao biết mình thích làm gì?
(Spoiler alert: điều này sẽ lặp lại một lần nữa khi bạn mới tốt nghiệp đại học, khi mà nhà tuyển dụng yêu cầu các bạn fresh grad có 10 năm kinh nghiệm)
Thay đổi giữa chừng, hay học văn bằng hai, hoàn toàn khả thi, nhưng đi kèm với nó là sự tốn kém về vật chất và thời gian, mà kể cả bạn có hai thứ đó, thì cũng cần thêm một sự dũng cảm và một độ cháy nhất định với lựa chọn của mình. Ai lại muốn trong khi bạn bè mình đã có vài năm kinh nghiệm thì mình mới chỉ tập toẹ bắt đầu tìm hiểu các chương trình tập sự?
Nhưng đặt mọi thứ vào trong bối cảnh của bố mẹ, thì sự tập trung của đại học lại là một cái gì đó rất hợp lý.
A sense of security
Những người thuộc thế hệ 6x-7x được nuôi dạy và lớn lên trong thời kì bao cấp, khi đất nước mới bước vào hoà bình. Mục tiêu của xã hội lúc bấy giờ là khắc phục hậu quả chiến tranh và kiến thiết đất nước. Ngành nào cũng cần một lực lượng lao động chuyên biệt để củng cố và phát triển, do đó các trường đại học (và những người quyết tâm đi học) đều được thiết kế để trở nên nhất quán với mục tiêu đó.
Như một lẽ tự nhiên, mọi người sẽ coi đại học là nơi cung cấp các công cụ cần thiết cho một nghề nhất định trong tương lai. Và vì một nghề nghiệp nhất định sẽ đảm bảo một cuộc sống ổn định, nên việc chọn đại học “đúng" lại càng quan trọng hơn bao giờ hết.
Việc chọn “đúng" đại học cung cấp cảm giác về sự an toàn, chắc chắn, rằng: chỉ cần học chuyên sâu về một lĩnh vực trong 4-5 năm, là ra trường sẽ “êm ấm". Trường càng uy tín, càng chuyên sâu, cảm giác này càng chắc chắn. Cảm giác như bước vào cổng đại học là bước vào một đường-hầm-của-sự-an-toàn, bạn sẽ không phải bận tâm gì về thế giới bên ngoài, và cũng không có gì có thể xao nhãng bạn.
Nếu giữ nguyên tâm lý này, thì việc làm “trái ngành" sẽ tạo ra một thực tế đối lập bất khả thi: Nếu cháu có thể làm ngành đó, nghĩa là cháu phải có một rổ công cụ của ngành đó (thu nạp qua 4 năm đại học), nhưng mà cháu không thể có nó được, vì cháu học công cụ của ngành khác cơ mà?
A false sense of security
Mình chọn FTU, có lẽ như nhiều người, vì mình nghe tỉ lệ có việc làm sau khi ra trường rất cao, và nhiều người thành công thì toàn từ đây mà ra cả.
Thể theo công thức an toàn, mình xác định chuyên ngành từ rất sớm. Vì chưa biết bản thân thích gì, nên mình đành lựa chọn chuyên ngành phù hợp với điểm, và không phải những chuyên ngành mà mình cảm-giác-không-thích-lắm.
Ngặt một cái, càng học, mình càng thấy lo.
Không một ai đã ra trường nói với mình rằng kiến thức học được ở đây giúp họ có được công việc tốt, hay thăng tiến.
Lúc mình đi intern hồi năm 3, cũng không cần phải đem bất cứ một lý thuyết nào từng học ra áp dụng.
Ngay cả khi mình, về lý thuyết là đang ở trong một cái đường hầm an toàn, vẫn luôn lo lắng vì nhận ra kiến thức mà mình đang học, thứ xây nên đường hầm, lại không dẫn tới thành công về sự nghiệp…
Nỗi lo này x1000 khi mình bắt đầu ra trường.
Chuyên ngành của mình là kinh tế đối ngoại, thiên về xuất nhập khẩu, cuối năm anh em làm luận văn tốt nghiệp nói về import export ầm ầm. Ra trường cả khối 100 đứa thì 2 đứa làm đúng ngành 🙃 Ngay cả khi đã ra trường 1 năm, mình vẫn chưa tìm được công việc nào yêu cầu những kiến thức chuyên ngành, hoặc thấy đứa nào làm công việc gì liên quan tới cái chúng nó từng học.
Mình nhận ra, cái cảm giác về sự an toàn của việc chọn một trường đại học uy tín chỉ là một cảm giác an toàn ảo. Nó chỉ giúp cho mình vững tin khi học thêm ba môn Toán - Văn - Anh để thi khối D, và giúp mình đỡ run khi ghi tên FTU vào nguyện vọng 1 đại học. Chứ còn đi học thực rồi, mới nhận ra tương lai vẫn mịt mù như tiền đồ chị Dậu.
Sau khi đã ra trường nhiều năm, mình nhận ra là: những thứ có ích nhất ở đại học, lại không phải là kiến thức.
Con đường đá quý
Không một kiến thức nào mình học ở chương trình chính khoá của Ngoại Thương giúp mình đậu một công việc full-time từ năm 2019 tới nay.
Chính những thứ ngoài-kiến-thức mà môi trường đại học cung cấp, lại là những thứ giúp mình nhiều nhất sau này:
Mình được gặp những bạn, những anh chị tài giỏi ở CLB. Họ năng động tìm kiếm nhiều cơ hội nghề nghiệp, và thông qua họ, mình mới biết được các cơ hội thực tập. Sau này, nhờ bạn, của bạn, của bạn, của bạn, mà mình được refer tới các công việc tốt hơn.
Mình được gặp những bạn (cùng lớp) có chung niềm đam mê về công nghệ, từ đó vững tin hơn với việc học những kiến thức “trái ngành". Bên cạnh đó, các hoạt động nhóm giúp cho mình cải thiện đáng kể kĩ năng mềm và cả kĩ năng sống nói chung.
Các hoạt động ở CLB và các công ty phù-hợp-với-bằng-Ngoại-Thương cho mình tiếp xúc với nhiều loại hình công việc từ sớm, giúp mình nhận ra đâu là cái mình thực sự thích.
Nhìn lại, đại học không phải một đường hầm, mà là một con đường rộng mở, với rất, rất nhiều đá quý ở khắp ven đường chỉ đợi để mình nhặt. Kiến thức chỉ là một trong số đó.
Như vậy, mình chỉ làm trái kiến thức, chứ vẫn đúng theo những gì mà đại học cung cấp :D
Dĩ nhiên, ở cái thời điểm mình vẫn còn đi học, mình chẳng thể nghĩ những thứ trên sẽ giúp mình tiến xa được như bây giờ. Toàn mấy cái hoạt động đâu đâu, mà theo ngôn ngữ của bố mẹ thì “chả hiểu cái thằng này đang làm cái gì".
Nếu như mình vẫn đang tận hưởng công việc và sự nghiệp hiện tại của mình, thì có lẽ tất cả những hoạt động đâu đâu kể trên vẫn đúng, vẫn đáng. Nếu thế, nếu được quay lại quá khứ để nói với Tuấn Mon-còn-đang-đi-học, mình chỉ muốn động viên nó cứ làm thật tốt, quan sát và học hỏi những thứ xung quanh nó thật nhiều. Không cần quá lo lắng về sự liên quan của những kiến thức hàn lâm nó đang học, vì kiến thức chỉ là một phần giá trị mà đại học có thể mang lại cho nó mà thôi.
Có lẽ nhờ cái sự chơi vơi và lo lắng khi không biết ra trường sẽ làm gì ngày đó, mà mình mới có cơ hội nhìn vào trong và khám phá những gì bản thân yêu thích.
Nếu lúc đó mình chọn một chuyên ngành hẹp hơn, giả dụ như tài chính kiểm toán đi, chắc gì mình đã đủ lo mà chịu ngó nghiêng xung quanh, và chắc gì mình đã thích nghề như hiện tại. Khéo lúc đó lại mải mê tập trung thi CFA, chỉ sợ học thêm cái gì khác thành ra mất tập trung mà thi không tốt…
Không có ác ý gì với các bạn tài chính kiểm toán, chỉ là, ép mình phải đưa ra sự lựa chọn quá sớm để mà đạt được cảm giác an toàn, mình thấy như tước đi rất nhiều sự lựa chọn cho bản thân.
Một tầm nhìn hẹp vào một ngành và kiến thức chuyên môn của nó, chưa chắc đã tốt.
Chúng ta có thể chọn đường trước, rồi chọn trường sau, như cách bố mẹ chúng ta đã làm, nhưng hãy sẵn sàng đối diện với thực tế là chúng ta có thể bỏ qua nhiều cơ hội thực sự liên quan tới sở thích, và chúng ta sẽ không bao giờ biết được thứ mình đã bỏ qua.
Chúng ta cũng có thể chọn trường trước, chăm chỉ quan sát học hỏi mọi thứ đến sau, và cẩn thận chọn lấy cơ hội phù hợp.
Suy cho cùng thì chọn cái gì cũng sẽ lo lắng hết, nhưng nếu làm cách 2, ít nhất chúng ta có thể lo lắng khi bản thân có nhiều option hơn.
Nếu bạn đọc của Many One Percents vẫn đang chơi vơi và lo lắng, có lẽ bạn đang đứng trước nhiều cơ hội, mà cũng có lẽ bạn đã và đang đắm chìm trong nhiều cơ hội rồi, chỉ là chưa biết tương lai mai sau sẽ liên quan gì mà thôi. Nếu thế, mình nghĩ chiến lược tốt nhất là tận hưởng và quan sát thật nhiều, bởi vì chính những trải nghiệm đó mới là cái đi cùng mình cho đến tận hôm nay.
Weekly discovery: Touch Pianist
Bạn thích nghe piano?
Bạn muốn được một lần có thể ngồi xuống và đánh chiếc piano ở sân bay và được mọi người vỗ tay tán thưởng?
Thế thì đi học thôi chứ làm gì có cái weekly discovery nào giúp được bạn :v =))
Đùa chứ, tuần vừa rồi mình mới phát hiện ra trang web này khá hay: bạn chỉ cần gõ phím là đã có thể chơi những bản piano phức tạp. Không quan trọng bạn bấm phím gì, miễn là bấm, là sẽ gõ đúng note. Tốc độ của bản nhạc hoàn toàn tuỳ thuộc vào bạn.
Chơi thử đi, giải trí phết đấy =))
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc thư! Đừng ngại chia sẻ lá thư này tới bạn bè nếu bạn thấy nó hữu ích!
Như thường lệ, nếu có điều gì newsletter này làm bạn suy nghĩ, hoặc mình có thể làm tốt hơn, hãy reply và chia sẻ với mình, mình sẽ rất rất vui đó
(*๑˘◡˘)
Chúc bạn một buổi tối thư giãn và một tuần mới thật năng suất!
Thân,
Tuấn Mon
UẦY...
e thích nhất cái câu "mình chỉ làm trái kiến thức, chứ vẫn đúng theo những gì mà đại học cung cấp"
Em cũng trái ngành, mặc dù đã thi lại đại học nhưng rồi cũng không làm đúng theo chuyên ngành đã thi lại đó =))) nhưng trường học lần 2 thích hơn trường lần 1. Cũng vì mấy cái hoạt động câu lạc bộ ở trường mới làm đầu óc em mở mang hơn, em có nhiều cơ hội để đi đây đó và em có cơ hôi được học từ mấy thứ bên ngoài nên rất là related với anh bài này luôn.
Sau này thì em rất thoải mái khi ai đó hỏi em học gì và nếu có bị nói là "ơ học luật không làm luật à?" thì em cũng thoải mái đáp lại luôn: "học luật để biết cách dùng chữ thôi rồi con đi viết content" =)))
Chủ đề hót hòn họt luôn ạ. Đây cũng là dạng câu hỏi đã trigger em rất nhiều 🤣 Mà bây giờ được thấy câu trả lời hoàn chỉnh và logic thế này thì còn gì bằng. Một Chủ Nhật tuyệt vời khi đọc được bài viết này của anh 🌻