Hello bello!!
Dạo này bạn có khoẻ không?
Mấy tuần vừa rồi mình phải chuẩn bị đi công tác ở New York nên không thể viết thư cho bạn (cảm ơn các bạn đã gợi ý cách ngủ ngon trên máy bay!)
Đây là chuyến đi công tác xa nhất mà mình từng được đi. Lần này sinh hoạt lệch múi giờ, nên không chill chill như cái hồi nằm Westin, nghĩ về Big Corp, cứ về đến phòng là mình gần như sập điện.
Mình rất thích New York, nó gợi mình nhớ tới sự năng động, nhộn nhịp và màu sắc ở Tokyo, khác cái là thành phố nhiều mùi cần, bẩn, và về đêm thì cảm giác hơi sờ sợ hơn :’)
Bài viết tuần này: Nhu cầu ≠ Nỗi đau
Một trong những kĩ năng mà theo mình là quan trọng nhất của Product Manager, đó là xác định, và đưa ra giải pháp để đáp ứng được nhu cầu của người dùng.
Mình sử dụng chữ "Nhu cầu", thay vì "Vấn đề" hay "Nỗi đau" bởi vì đáp ứng được tốt một nhu cầu sẽ đồng nghĩa với việc không để vấn đề hay nỗi đau xảy ra, nhưng giải quyết tốt một vấn đề chưa chắc đã thực sự đáp ứng được nhu cầu cuối cùng. Nói cách khác, đáp ứng nhu cầu là bài toán lớn hơn, chiến lược hơn và có tầm ảnh hưởng lớn hơn là giải quyết nỗi đau.
Để mình ví dụ.
Gần đây mình thấy có một trào lưu mới trên Threads (bạn chưa dùng Threads? Tải ngay đi!), đó là các bạn chia sẻ những stickers được vẽ bằng tay cho nhau, và hướng dẫn nhau thêm các stickers này vào phần mềm nhắn tin trong máy để về sau có thể gửi cho bạn bè.
Điểm đặc biệt của các stickers này không chỉ nằm ở phần thiết kế rất dễ thương, mà còn ở nội dung: những ngôn từ, cách biểu đạt rất GenZ, rất đời thường, nói một phát là ai cũng hiểu. Có lẽ đó là lý do tại sao các thread chia sẻ sticker lại nhận được sự chú ý đặc biệt của bạn đọc.
Các bạn GenZ chia sẻ các stickers tự vẽ này là bởi hiện nay các bộ sticker trên Messenger/Instagram/Whatsapp đều khá… “Tây”, tức là không có tiếng Việt và sử dụng những hình vẽ không có tính bản địa. Và dĩ nhiên, cái gì không phù hợp thì mọi người sẽ không dùng.
Ở đây có một vấn đề: Để mà bạn có thể thực sự sử dụng được những sticker được share trên Threads, là cả một hành trình vô cùng gian nan. Bạn sẽ phải đi qua tổng cộng 3 bước, với bước 2 cực kì thủ công và bước 3 khá hên xui:
Tải ảnh về
Cắt ảnh theo từng stickers (ví dụ 1 ảnh có 6 cái thì cắt tới 6 lần)
Vào 1 sticker bất kì, nhấn giữ để tách nền, sau đó chọn "Thêm vào Sticker" để lưu vào bộ sticker của máy. Again, nếu ảnh có 6 cái sticker thì phải làm việc này tới 6 lần...
Giả sử như bạn là Product Manager ở Meta, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn giải quyết vấn đề "khó khăn trong việc chia sẻ và tái sử dụng stickers". Một số giải pháp có thể kể đến như:
Cho phép người dùng lưu thẳng ảnh từ trên Threads vào làm sticker trong máy
Cho phép người sáng tạo tạo ra một sticker pack của cá nhân họ, sau đó chia sẻ thông qua một đường link. Bấm vào link là máy tự động tải sticker về
Nếu nhìn xa hơn, việc chia sẻ stickers này đến từ việc Meta không có các stickers thuần Việt. Như vậy chúng ta có thể đi xa hơn: Tập hợp team design vẽ ra mấy cái sticker pack cute hột me sử dụng ngôn ngữ GenZ xong upload lên các công cụ nhắn tin như Messenger/Instagram Direct cho người dùng xài
Tuy nhiên, mình nghĩ rằng nếu chỉ dừng lại ở đây, thì chúng ta cùng lắm chỉ giúp được cho những bạn GenZ thích stickers cute Tiếng Việt mà thôi. Mình nghĩ rằng, việc các bài viết trên nhận được nhiều tương tác cho thấy một (số) nhu cầu lớn hơn cần được giải quyết - mà stickers chỉ là một giải pháp trong số đó:
(Người sử dụng) Nhu cầu được biểu đạt cảm xúc bằng ngôn ngữ riêng (ngôn ngữ thế hệ, inside joke...)
(Người sáng tạo) Nhu cầu được thể hiện bản thân và chia sẻ sản phẩm của mình cho mọi người sử dụng
Nếu chỉ nhìn riêng vào nhu cầu số 1 - biểu đạt cảm xúc bằng ngôn ngữ riêng - chúng ta sẽ có một số giải pháp (ngoài stickers) như sau:
Ví dụ, đối với GenZ, meme là một "ngôn ngữ riêng" mà các bạn đang sử dụng rất nhiều để giao tiếp và biểu đạt cảm xúc trên Internet. Meme có thể tồn tại dưới dạng ảnh (gấu panda trung quốc), hoặc âm thanh (bạn còn nhớ cái âm thanh "Quinchana ding ding ding" trên Reels?)
Meme, hay stickers, cũng chỉ là hình ảnh, mà hình ảnh, cũng chỉ là một loại ngôn ngữ biểu đạt. Như vậy, thay vì tập trung quá nhiều vào trải nghiệm tạo/chia sẻ stickers, chúng ta có thể cải thiện trải nghiệm tìm kiếm/lưu/chế tác/chia sẻ đa phương tiện, bao gồm cả hình ảnh (stickers, meme ảnh) và âm thanh (meme âm thanh, ghi âm). Giải pháp này không chỉ đáp ứng được nhu cầu của nhóm mê Stickers trên Threads, mà còn đáp ứng được nhu cầu của nhóm thích meme ảnh hoặc thích âm thanh nữa.
Vẫn chưa hết. Trong thời đại Internet này, việc biểu đạt cảm xúc không còn đơn giản chỉ là ảnh hay stickers nữa. Ngôn ngữ tình yêu còn có tận 6 cái mà. Có những người biểu đạt cảm xúc qua các reaction (ý tưởng: thay vì sử dụng bộ icon thông thường rất nhàm chán, tại sao không cho phép người dùng react bằng icon họ thích?), hoặc qua việc gửi reels/ bài post cho nhau (ý tưởng: giúp người dùng chia sẻ nội dung với người thân nhanh như chớp mà không phải đi qua nhiều bước).
Khi nhìn sâu vào nhu cầu khách hàng, chúng ta có thể thấy rằng với cùng một nhu cầu (vd: biểu đạt cảm xúc bằng ngôn ngữ riêng), người dùng có thể có nhiều vấn đề khác nhau (vd: sticker không được bản địa hoá, khó chia sẻ các sticker nhà làm, reaction bị giới hạn, không có công cụ để tìm kiếm, chế và lưu meme để tái sử dụng…).
Nếu chỉ nhìn vào vấn đề (sticker), mà quên đi nhu cầu (biểu đạt), thì ta sẽ hoàn toàn không chú ý tới các giải pháp liên quan tới chia sẻ hình ảnh, âm thanh. Và như vậy, với cùng một công sức và thời gian bỏ ra để phát triển sản phẩm, chúng ta sẽ giúp ích được cho một nhóm đối tượng nhỏ thay vì cả một tập khách hàng lớn.
.
Tới đây, mình cũng muốn chia sẻ một tip nhỏ giúp bạn xác định được đâu là một nhu cầu “đủ lớn”, xứng đáng để bạn giải quyết: Hãy tìm hiểu “Workaround” mà người dùng đang sử dụng để đáp ứng nhu cầu. Workaround có thể hiểu là một cách phi chính thống, cầu kì, lòng vòng, bất tiện để giúp người dùng đi từ điểm A → điểm B. Workaround càng phức tạp, thì cho thấy người dùng càng mong muốn được (bạn) đáp ứng nhu cầu.
Trong ví dụ ở trên, “workaround” cho việc thể hiện cảm xúc bằng ngôn ngữ riêng của các bạn trẻ chính là việc thiết kế, hoặc sử dụng lại thiết kế, của những sticker có ngôn ngữ GenZ. Mặc cho quá trình vẽ, lưu, tái sử dụng sticker rất cầu kì và vất vả, nhưng một số lượng lớn các bạn trẻ vẫn chịu khó và chấp nhận làm. Điều đó cho thấy nó là một cái gì đó quan trọng, ý nghĩa với các bạn ấy.
Nói cho đúng, thì sticker hay meme cũng chỉ là các công cụ, quan trọng là các bạn được bộc lộ bản thân theo đúng cách mà thế hệ của các bạn đang mong muốn. Và đây mới là một nhu cầu/mỏ vàng siêu lớn cần các Product Manager khai thác.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc thư. Đừng ngại chia sẻ lá thư này tới bạn bè nếu bạn thấy nó hữu ích 🫸 ❤️❤️❤️
Như thường lệ, đừng quên reply newsletter này nếu như bạn đã học được một điều gì đó mới, hay có một suy nghĩ nào đó đến từ lá thư này. Mình sẽ rất vui đó.
(*๑˘◡˘)
À ĐÚNG RỒI
Có thể bạn đã biết, trong suốt 2 năm vừa qua mình và
có tổ chức một khoá học blogging có tên Writing On The Net. Tới nay, tụi mình đã chia sẻ các hệ thống, tư duy và kĩ năng viết online tới hơn 400 học viên. Sắp tới sẽ là khoá cuối cùng tụi mình tổ chức, trước khi tụi mình đóng lớp để chuẩn bị cho các dự án cá nhân tiếp theo. Nếu bạn từng lưỡng lự tham gia, hay hơi hơi có hứng thú, đây là cơ hội cuối cùng để bạn tìm hiểu thêm và đăng ký học nhé.Chúc bạn một buổi tối vui vẻ và một tuần mới năng suất!
Thân,
Tuấn Mon
Ở đoạn dựa vào workaround của người dùng để đánh giá độ lớn của nhu cầu hay thật ạ. Em thấy việc người dùng bỏ công sức vào tìm giải pháp cho vấn đề thể hiện nó đủ quan trọng với họ, mà để mình nhìn được big picture vấn đề cốt lõi như trên bài viết thì đúng là khong dễ ạ
Bài hay. Anh từng phụ trách 1 sản phẩm làm stickers cho Cốc Cốc tại Việt Nam, cũng thấy nhu cầu này rất lớn. Rất mong chờ Meta có thể đáp ứng, personalize được các stickers theo văn hoá Việt!