Chào buổi tối!
Bạn vẫn khoẻ chứ? Năm mới có đi chơi đâu không?
Tuần vừa rồi mình work from home. Một mặt thì thấy sung sướng thật, vì không phải ngồi tàu cả tiếng đồng hồ, lại còn được ngủ trưa chăn êm đệm ấm. Nhưng một mặt còn lại thì mình thấy bí bách quá... cả ngày ở dí trong nhà, không nhìn máy tính thì cũng nhìn điện thoại. Kể cả có ra cửa sổ ngắm trời ngắm đất lâu lắc, cũng không thấy thoải mái bằng đi ra ngoài tắm vitamin D.
Bức bối, thế nên mình đã lấy thảm ra để tập thể dục tại nhà, điều mà lâu lắm rồi mình mới làm lại. Vừa tập lại vừa có mấy suy nghĩ vẩn vơ về sức khoẻ. Thế là chúng ta có lá thư ngày hôm nay :D
Sức khoẻ là công cụ hay mục tiêu?
—Tóm tắt 5 giây—
Những người tập luyện đều đặn nhất coi sức khoẻ là mục tiêu thay vì công cụ. Với mình, cách để coi sức khoẻ như một phần quan trọng của cuộc sống, tương đương với các mối quan hệ hay sự nghiệp, là nghĩ về những lúc sức khoẻ tệ nhất.
—Hết tóm tắt—
Điều mình tâm đắc nhất trong cuốn The Psychology of Money được tóm tắt trong câu này (đã qua chỉnh sửa):
Wealth is the money you don’t spend. It gives you optionality, and henceforth, freedom.
Tác giả gửi gắm thông điệp này trong khi đang diễn giải về sự bất định của nền kinh tế nói riêng, cũng như tương lai nói chung.
Khi chúng ta tiêu tiền, trữ lượng tiền tiết kiệm của chúng ta sẽ giảm, và điều đó sẽ thu hẹp những lựa chọn chúng ta có thể có khi một sự kiện không may mắn xảy ra.
Mình thấy đây chính là tâm lý tạo nên sự khác biệt giữa những người có thể đến phòng gym đều đặn, bất kể nắng mưa mệt mỏi, và những người chỉ đến được một thời gian rồi lại thôi.
Đi tập để làm gì?
Năm mới, mình vẫn hay chúc mọi người "có thật nhiều sức khoẻ để đạt được các kế hoạch đề ra"
Mình nhận ra, bản thân câu chúc này đang coi sức khoẻ như một dạng công cụ. Tập chạy để leo ngọn núi A, tập gym giảm cân để mặc váy cưới, tập cardio giảm mỡ để tháng tới đi biển có múi bụng...
Khi một người coi sức khoẻ là công cụ, họ muốn có thêm sức khoẻ ĐỂ làm gì đó.
Khi sức khoẻ là công cụ, việc luyện tập sẽ biến mất ngay khi mục tiêu đã đạt được (hay trong một số ví dụ kể trên, thì thời điểm mà mục tiêu cần đạt được đã trôi qua)
Khi sức khoẻ là công cụ, nó giống như chúng ta đang cố gắng tiết kiệm tiền để mua một cái gì đó. Mua xong, tiền hết, mục tiêu hoàn thành, không cần phải tích cóp thêm nữa.
Dĩ nhiên, những mục tiêu kể trên hết sức chính đáng. Chỉ là, chúng ta sẽ cần đặt mục tiêu liên tục để giữ cho bản thân luyện tập đều đặn. Điều này thật dễ dàng với những người đã sẵn yêu thích việc rèn luyện và thử thách bản thân, nhưng với những người mới bắt đầu thì cực kì khó, bởi vì những bước đầu tiên bao giờ cũng khó nhất.
Mấu chốt ở đây, để có thể tập luyện một cách đều đặn, là coi sức khoẻ, bản thân nó, như một mục tiêu cần tích luỹ thêm.
Những người mê mẩn
Bản thân mình đã có thời điểm đi gym 5 buổi/tuần đều như vắt tranh. Mình cũng từng trò chuyện với những người đi gym, chạy bộ hay thiền đều đặn.
Điểm chung mình nghe được từ bản thân, và từ tất cả những "con chiên ngoan tập", chính là: Chỉ cần họ dừng tập luyện 1-2 ngày, họ sẽ cảm thấy rất khó chịu, và sự khó chịu này buộc họ phải quay lại với việc rèn luyện.
Sự khó chịu này có nhiều biểu hiện khác nhau: cảm thấy bản thân mệt mỏi, ì ạch, làm việc thiếu năng suất, hoặc mất tập trung khi đang trò chuyện cùng mọi người.
Nói cách khác, việc "cảm thấy mạnh khoẻ", cũng như "cảm thấy những lợi ích của việc mạnh khoẻ" là một nhu cầu lớn tới mức những người tập luyện thường xuyên phải tiếp tục tập để đáp ứng nó (cũng giống như việc mình duy trì viết thư đều đặn)
Họ sắp xếp và xoay chuyển cuộc sống xung quanh sức khoẻ, để có thời gian, trí lực tập luyện. Trong khi đó, những người tập để làm một việc gì khác, sẽ coi mục tiêu đó là trung tâm và sức khoẻ là thứ xoay quanh nó.
Sự đều đặn là hệ quả của nhu cầu giữ nguyên một trạng thái nào đó, trong khi sự tạm thời là hệ quả của một mục tiêu chóng vánh. Cảm thấy sung mãn, hồ hởi, phấn chấn hay tích cực, tất cả đều là hệ quả của việc luyện tập đều đặn, mà rất nhiều người đang ra sức giữ.
Tuy nhiên, rất khó để những người mới bắt đầu có thể cảm được điều này, và bị thuyết phục rằng sức khoẻ là một phần lớn trong cuộc sống mà họ cần chú ý tới.
Nói chuyện với nhiều người, mình nhận ra có quá nhiều công thức khác nhau để đưa một người từ số 0 (như bao người khác), tới điểm họ có thể đi tập bất chấp điều kiện nội tại hay ngoại cảnh. Có bạn mình biết giảm từ 25% -> 15% lượng mỡ trong cơ thể chỉ trong đúng 6 tháng bắt đầu tập, chỉ bởi vì họ muốn gây ấn tượng với một cô gái cùng team. Có bạn thì nhờ được một người truyền cảm hứng mà học thiền, bây giờ bỏ một ngày là kêu trời kêu đất.
Còn với mình, "công thức" giúp cho mình tập luyện đều đặn có phần hơi khác một chút.
Sự bi quan
Quay trở lại bài học từ cuốn sách The Psychology of Money, mình thấy rằng "cảm thấy mạnh khoẻ" cũng là một sự giàu có.
Chúng ta không cần phải "tiêu" sức khoẻ cho một ngọn núi, một giải chạy, hay một ngày lễ trọng đại nào đó. Bản thân việc có nhiều sức khoẻ làm vốn tích trữ đã là một mục tiêu vô cùng chính đáng, bởi khi có điều ấy, ta không những có thể làm những gì mình muốn, mà còn sẵn sàng đương đầu với những chuyện ngoài dự định trong tương lai.
Hãy thử tưởng tượng một ngày đẹp trời một ai đó bạn rất quan tâm bị ốm và phải nằm viện, liệu bạn có đủ sức khoẻ để thức khuya dậy sớm, vừa lo công việc bản thân, vừa phải chạy đi chạy lại để chăm sóc cho họ trong một thời gian dài không? Lúc đó thì chẳng có cách nào khiến bạn khoẻ được ngay lập tức cả.
Sức khoẻ nó tréo ngoe ở chỗ, là chúng ta mất rất, rất, rất lâu để cải thiện và nhìn thấy sự thay đổi (tập đến ngày 100 rồi sao cục mỡ vẫn còn đó!!), nhưng chỉ cần nó hỏng hóc, thì chúng ta sẽ cảm nhận được hậu quả tức thì.
Chúng ta có thể hi sinh sức khoẻ để làm một số chuyện gấp gáp, ví như, thức đêm chuẩn bị để kịp ngày mai present cho client. Chúng ta cũng có thể hi sinh sức khoẻ trong một thời gian dài, mà vẫn cảm thấy bản thân hoàn toàn ổn. Khi còn trẻ, có lẽ cơ hội chúng ta rất mạnh khoẻ sẽ lên đến 90-95%, còn cơ hội lăn đùng ra ốm liệt giường chỉ là 5-10% mà thôi.
Ấy cơ mà, cái giá phải trả của 5-10% đó là quá cao.
Bạn có thể làm được khá nhiều thứ với 90-95% cơ hội khoẻ mạnh ấy: chiến thắng một cuộc thi, thăng chức, mua một ngôi nhà. Nhưng nếu bạn không may quay phải ô mất sức khoẻ, dù chỉ 5-10% thôi, thì bạn sẽ mất cơ hội để làm tất cả mọi thứ. Mình xin được nhấn mạnh chữ "cơ hội", vì bạn sẽ không chỉ mất những thứ bạn đã có thể làm trong thời gian ốm. Hãy tưởng tượng cơ thể bạn suy nhược hoặc gặp một tổn thương nào đó không chữa khỏi: không chỉ mất đi cuộc thi, thăng chức, ngôi nhà, mà bạn sẽ mất vô vàn những thứ khác ở tương lai đang nằm trong bucket list. Cảm giác không còn cơ hội, khác gì mất đi sự tự do: có muốn cũng chẳng làm được nữa.
Định luật Murphy không chừa cái gì kể cả sức khoẻ:
What can go wrong will go wrong
Nếu vậy thì, dù chỉ là 1% khả năng sức khoẻ của mình sẽ suy sụp tới mức mình không thể làm gì được nữa, mình cũng sẽ không lựa chọn 99% cơ hội trong đó mình không tập trung vào sức khoẻ.
Nghĩ theo cách này, mình hoàn toàn cảm thấy thoải mái khi đặt Sức Khoẻ ngang hàng với Sự Nghiệp hay Gia Đình - những trụ cột lớn trong cuộc sống của mình ngày hôm nay. Đó là lý do vì sao mình sẵn sàng đầu tư nhiều vào sức khoẻ, cũng như có thể duy trì được việc luyện tập một cách đều đặn.
Năm mới rồi, tranh thủ vác mông đi tập luyện thôi!
—
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc thư! Đừng ngại chia sẻ lá thư này tới bạn bè nếu bạn thấy nó hữu ích!
Như thường lệ, nếu có điều gì newsletter này làm bạn suy nghĩ, hoặc mình có thể làm tốt hơn, hãy reply và chia sẻ với mình, mình sẽ rất rất vui đó
(*๑˘◡˘)
Chúc bạn một buổi tối vui vẻ và một tuần mới năng suất! Cùng hóng tới Tết thôi hehe :>
Thân,
Tuấn Mon
Em năm nay 25 tuổi, hiện đang làm dân văn phòng. Cách đây 2-3 tuần lưng dưới em bắt đầu đau nhẹ và em vẫn hoạt động bình thường được, cho nên em cũng không đi khám hay kiểm tra gì cả. Cho đến tuần vừa rồi, cơn đau nó tăng lên và em ko thể đi hay đứng được quá 1 phút., sau đó mới phải nhờ giúp đi khám thì bác sĩ chẩn đoán "đau dây thần kinh tọa cấp do thoát vị đĩa đệm".
Thực sự em không nghĩ em sẽ bị những bệnh liên quan đến xương khớp vì em là 1 người thể dục thể thao đều đặn; và bây giờ thì em gần như chỉ có thể nằm trên giường (nếu nằm sai tư thế nó cũng đau cơ^^).
Nhưng là như vậy đó, chưa thấy quan tài chưa đổ lệ, giờ em như 1 người vô dụng. Nếu như (^^) lúc mới đau em đi khám luôn hoặc quan tâm tới sức khỏe của mình hơn thì có lẽ (^^) đã ko phải nằm liệt giường như thế này rồi.
Nay đọc được bài này của anh và học được thêm điều mới mà em nghĩ em chưa bao giờ nhìn nhận nó như vậy cả, là xếp Sức khỏe cùng hàng với Sự nghiệp & Gia đình anh ạ. Thanks anh!
Cùng quan điểm ạ, sức khỏe là một phần quan trọng của cuộc sống mỗi người, hãy lắng nghe và trân trọng nó.