Mình vừa đạt được 10,000 subscribers cách đây hơn 1 tuần, và mình cảm thấy... khá bình thường (?!)
Cái ngày mới bắt đầu newsletter, mình hay nhìn vào những blogger kì cựu và ước rằng tháng nào mình cũng có cả nghìn người mở email ra đọc thư. Lúc ấy cái con số "cả nghìn subscribers" nó hấp dẫn lắm: nó oai, nó hoành tráng, nó tự đắc làm sao khi mà đi ra ngoài và mình có thể khoe nhỏ nhẹ "à ừ thì tui cũng có cái newsletter cỡ chục nghìn người ý mà". Very demure, very mindful.
Ấy thế mà vài tháng trở lại đây, khi mà con số subscriber lên 9,000, rồi 9,900, rồi 9,990, mình không còn cảm thấy niềm tự hào hay háo hức mà mình kì vọng khi mới bắt đầu nữa.
Cũng giống như lương.
Ngày xưa mới đi làm, lương tháng có vài triệu, lúc ấy nhìn vào các anh chị đi trước lại ước giá như mình có lương nghìn đô/tháng thì thích phải biết - mình sẽ làm được bao nhiêu là thứ, đi được bao nhiêu là nơi, mua được bao nhiêu là đồ cho bố mẹ. Cuộc sống chắc chắn sẽ vui vẻ hơn bây giờ nhiều.
Bây giờ đi làm công ty nước ngoài, lương tính theo đô thật đấy, mà cái ngày nhận lương thì cũng thấy... bình thường như bao ngày còn lại.
Chắc chắn đây không phải lần đầu bạn hay mình nhìn thấy hành vi này. Ở đâu đó trên Internet đã có những bài nghiên cứu về sự hạnh phúc giảm dần (một cách nhanh chóng) của con người khi trúng xổ số, về sự nhanh chóng thích nghi và đồng thời là mau chán của con người. Gần gũi hơn thì có mấy bài trên Threads, cô gái nọ kể rằng anh người yêu lúc còn tán tỉnh yêu chiều ghê lắm mà về sau khi thành đôi rồi thì chẳng thèm đoái hoài gì.
Chợt nghĩ rằng cái mình và nhiều người hướng đến chưa chắc là cái sẽ đem lại sự hạnh phúc bền vững, cái thứ hạnh phúc mà đem lại niềm vui nho nhỏ cho chúng ta mỗi ngày trong một thời gian dài.
10,000 subscribers không đem lại cho mình niềm vui bằng việc thi thoảng nhận được 1-2 lá thư phản hồi từ các bạn, điều mà mình nhận được thậm chí còn nhiều hơn khi mà newsletter mới chỉ có 2-3 trăm người đọc.
Lương nghìn đô không đem lại cho mình niềm vui bằng việc công việc của mình cho phép mình được học, được biết thêm nhiều thứ hay ho, và được phát huy sở trường của mình mỗi ngày, điều mà minh cũng có được rất nhiều ở các công ty trước.
Mình biết, cũng ở thực tại này, có những blogger có tới cả chục nghìn followers, nhưng hiếm khi nhận được tâm thư phản hồi từ độc giả. Dĩ nhiên, họ vẫn vui vì họ có thể sử dụng con số đó cho nhiều mục đích thương mại khác. Và miễn là các mục đích thương mại đó đạt được, bạn vui. Nếu đó là mình, mình không vui.
Như vậy, mình và blogger kia đưa ra những lựa chọn khác nhau để tối ưu hoá cho những sự hạnh phúc khác nhau, mặc dù cả hai đều trông có vẻ cùng chạy tới con số người đọc cao hơn.
Tuy nhiên để mà nói là mình và blogger kia, khi mới bắt đầu hành trình này, biết rõ sự hạnh phúc bền mà tụi mình muốn đạt được là cái gì, thì cũng không hẳn. Cả hai đều bắt đầu với cùng một lý do, một nhu cầu cấp thiết: muốn giúp đỡ một ai đó ngoài kia. Sự hạnh phúc bền chỉ được khám phá và nghiệm ra khi tụi mình thực sự đổ công sức vào để đạt giải quyết được nhu cầu cấp thiết đó. Tụi mình viết, và viết, và viết nhiều tới cái độ mà tụi mình buộc phải đặt ra câu hỏi: "Viết để làm gì? Có nên viết tiếp nữa không?" - Những câu hỏi mang tính khủng hoảng hiện sinh như thế là mồi lửa cho chuỗi phản tư và tự vấn. Và cũng phải có cuộc gặp gỡ định mệnh giữa mình và blogger kia, phải nói chuyện với nhau về sự khủng hoảng này, phải so sánh quan điểm và góc nhìn của mỗi người về con số 10,000 kia, thì lúc đó mới ngỡ ra trước giờ mỗi đứa đưa ra những lựa chọn khác nhau để tối ưu cho kiểu hạnh phúc bền vững của riêng mình.
Chung quy là cứ phải vất vả một tí, và phải chia sẻ và đối chiếu với người khác, thì sẽ dễ nhận ra hơn. Mong các bạn cũng coi lá thư này là như thế: không phải mình đang khoe, mà chỉ là đang chia sẻ lại để bạn có tư liệu để đối chiếu với câu chuyện của bản thân.
Từ bây giờ mình sẽ thêm vào danh sách câu-hỏi-bắt-buộc-phải-hỏi khi phải quyết định một cái gì quan trọng:
Lựa chọn (nghề nghiệp/ bạn đời/ sản phẩm/ …) này có khả năng đem lại cho mình niềm vui bền vững hay không?
P/s: Tuy vậy, mình vẫn muốn cảm ơn các bạn rất nhiều vì đã ủng hộ cho Many One Percents! Mình không thể đạt được con số 10,000 nếu không nhờ mọi người chia sẻ cho nhau biết, vì mình không làm marketing gì cho thư cả.
Chúc các bạn một cuối tuần thư giãn và một tuần mới năng suất!
Thân,
Tuấn Mon
Đọc bài này làm em nhớ tới khoá học The Science of Well-Being của Yale, trong một module thì giáo sư giảng có đề cập (theo trí nhớ của em): việc có một trải nghiệm và biết nó sẽ kết thúc (ví dụ một chuyến đi chơi) sẽ gia tăng cảm giác hạnh phúc lâu dài hơn là việc sở hữu một món đồ/đạt được một mục tiêu nào đó (mang tính chất sở hữu trong thời gian dài). Vì trí não mình có cơ chế thích nghi, đó là một trong những lý do vì sao một món đồ mới mua thường mình sẽ thích thú ở lúc ban đầu, về sau thấy niềm vui giảm dần. Và lúc này mình cần (hay ít nhất là cá nhân em thấy nó hiệu quả), yếu tố "chánh niệm" ở cuộc sống để giúp mình có được cảm giác "niềm vui nhè nhẹ nhưng thường trực". (đúng hơn thì em nghĩ là những lần mình thực hành chánh niệm, gần gũi nhất là có thiền, viết gratitude journal, chạy bộ).
anw, nếu có thời gian mà chưa thử ngó khoá học này, thì em rcm anh Tuấn (và ai đó đang đọc com này), thử ngó qua ở link này nha: https://www.coursera.org/learn/the-science-of-well-being/
Đến cuối bài, câu hỏi đặt ra là: Liệu làm điều này có mang lại hạnh phúc bền vững hay không? Để trả lời câu hỏi này thật không hề dễ tí nào (ít nhất là đối với em), vì đôi khi mình phải thử rồi mới biết nó có hạnh phúc như mình từng tưởng không. Chẳng hạn, anh Tuấn Mon từng ngưỡng mộ mức lương tính bằng đô, nhưng rồi bây giờ cũng thấy bình thường. Điều này khiến em đặt ra dấu chẩm hỏi về những vấn đề quan trọng trong cuộc sống như "sản phẩm, công việc, tình yêu": Nếu một lúc nào đó, sự lựa chọn của mình về những khía cạnh đó không còn mang lại hạnh phúc thì sao. But btw love bài này và love luôn cả hành trình chậm rì nhưng hạnh phúc của mình để tiến tới kết quả mong đợi ạ