Chào buổi sáng, và Chúc Mừng Năm Mới!
Bạn vẫn khoẻ chứ? Tết năm nay của bạn thế nào?
May mắn là năm nay thời tiết Hà Nội gần Tết đẹp. Nắng, lạnh, gió. Thuận tiện đi chơi, thăm họ hàng và tranh thủ đá mấy cốc cafe. Ừ thì hơi ô nhiễm tí, nhưng mà cảm giác lượn lờ phố phường và hưởng thụ văn hoá cafe ở Việt Nam vẫn cứ là một cái gì đó khác biệt. Cũng nhờ thời tiết đẹp nên hôm nay có thể gửi tặng bạn một đoạn clip ngắn view pháo hoa từ nhà mình.
—
Trong bối cảnh New Year New Me, chắc hẳn rất nhiều bạn subscribers của mình đã và đang bắt đầu lên kế hoạch cho năm mới. Mà kế hoạch thì lúc nào cũng đi đôi với trade-off và sự không chắc chắn.
Phải thú nhận, mình cực ghét sự không chắc chắn.
Những lúc nào mình phải lựa chọn giữa hai phương án tương đương nhau là mình rất căng thẳng. Dẫu đã tự nhủ với bản thân biết bao nhiêu lần rằng, "chọn cái nào cũng có cái tốt của nó", nhưng hiếm lúc nào chọn xong mà mình không ngoái lại.
Mình luôn luôn research về thứ mà mình vừa mua xong nhiều hơn lúc mà mình chưa mua nó. Cốt để cảm thấy yên tâm là mình đã đưa ra một lựa chọn đúng.
Mình luôn luôn đọc lại nhật kí sau khi mình đưa ra một quyết định quan trọng. Cốt để cảm thấy yên tâm là mình sẽ không mắc phải sai lầm trong quá khứ.
Mình luôn luôn tìm cách để tin rằng bản thân đã đưa ra một quyết định sáng suốt, chứ không phải để đưa ra một quyết định sáng suốt.
Với mình, sự yên tâm là một thước đo cho quyết định sáng suốt.
Và nếu như bạn cũng cảm thấy như vậy, có lẽ câu chuyện và phương pháp sau đây sẽ phù hợp với bạn.
—
Công việc của mình là cải thiện sản phẩm dựa trên những insight về văn hoá, hành vi của người Việt Nam, để sản phẩm có thể mang lại nhiều giá trị cho họ hơn. Để làm được điều đó, thứ đầu tiên là mình phải tìm và lựa chọn được insight có ý nghĩa.
Mình có anh đồng nghiệp tên N.P, cũng làm công việc tương tự, nhưng cho thị trường Thái Lan. N.P trước giờ làm chủ yếu các insight về nhà quảng cáo (advertiser). Tự nhiên một hôm mình thấy N.P viết một bài insight về người dùng trẻ (young consumer). Bất ngờ, mình mới hỏi N.P rằng tại sao mày lại chọn insight đó để triển khai thay vì hàng tá insight khác mà mày đã từng lên kế hoạch nhưng chưa làm. N.P mới trả lời mình thế này:
Tao ghi chú lại rất nhiều insight nhưng khi insight này xuất hiện, tao biết tao phải làm nó luôn. Thực ra insight chất lượng là insight mà mày không cần phải dùng lý lẽ để chứng minh là nó chất lượng. Mày biết nó chất lượng khi nó xuất hiện.
Á đù...
Quả thực, trước giờ các dự án thành công nhất của mình đều dựa trên những insight mà "nói phát hiểu luôn". Lý luận thì luôn cần thiết, nhưng cái lõi để mà mọi người bị thuyết phục và sẵn sàng mang uy tín của mình để đi thuyết phục người khác, lại loanh quanh cái sự "nói phát hiểu luôn" đấy.
Và tương tự như vậy, những quyết định mình cho rằng đúng đắn nhất trong cuộc đời mình, đều được mình đưa ra dựa vào một Lý Do Quyết Định - A Single Decisive Reason. Lý do đấy đôi khi không rõ ràng, kiểu như: nếu mình làm cho công ty A, mình sẽ nhận được X tiền, Y quan hệ và Z danh tiếng. Đôi khi nó chỉ là một cảm nhận rất mạnh mẽ của bản thân, kiểu như: mình cảm thấy những người phỏng vấn mình ở công ty A thực sự rất tâm huyết với những gì họ đang làm, và mình muốn đồng hành cùng họ. Dù là gì, Lý Do Quyết Định cũng là thứ giúp bàn cân lệch hơn về một phía, và chúng ta sẽ không phải bận tâm quá nhiều về tính đúng đắn của những lý do khác.
Ở chiều ngược lại, một lựa chọn có quá nhiều lý do được mình tô vẽ ra lại thường không phải lựa chọn đúng đắn. Những lựa chọn như thế thường gây cho mình cảm giác tội lỗi và phí thời gian sau này, mặc dù buồn cười ở chỗ, chính mình là người đã tự thuyết phục bản thân làm nó với vô số lý do chính đáng.
Bài học lớn nhất mình nhận ra sau mỗi lần như vậy: Những lý do yếu thường không bao giờ có giá trị khi đứng một mình. Nhưng khi chúng xuất hiện với số lượng lớn, chúng sẽ tạo ảo giác về sự thuyết phục.
Triệu chứng này này đã được Nassim Nicholas Taleb nhắc đến trong cuốn sách Antifragile, và được Reid Hoffman, cha đẻ của LinkedIn, đặt tên là "Blended Reasoning"
Nếu như mình phải cố ẻ ra nhiều hơn 2 lý do để làm một điều gì đó, đó chính là tín hiệu mình đang không tự tin vào quyết định đó, mình đang không có A Single Decisive Reason. Cái quần này hơi đắt một tí, nhưng mà (1) đây là mẫu cuối cùng, năm sau không còn mẫu này nữa, (2) đây là đợt giảm giá duy nhất của năm nay, (3) ở nhà mình cũng chưa có quần nào chất liệu này, nếu mua sẽ mặc được nhiều dịp phải biết đây. Bạn đã bao giờ tự lý luận thế này với bản thân, hoặc bất cứ một ai-đang-đi-cùng-mà-bạn-cần-tìm-sự-đồng-tình-ở-họ hay chưa? Đấy chính là biểu hiện của Blended Reasoning.
Trong trường hợp Blended Reasoning xuất hiện, mình sẽ cố gắng tìm xem Rational Emotion của mình nằm ở đâu (nếu bạn chưa biết RE là gì, mình từng viết về nó tại đây), hoặc là mình sẽ không quyết định luôn/ để cho người khác quyết.
Trong trường hợp mình buộc phải đưa ra quyết định gấp, mình sẽ sử dụng chiến lược của Reid Hoffman: đưa ra quyết định trước, rồi tìm kiếm lý do để phản biện nó sau. Chiến lược này cũng được Ameet Ranadive, ex-Product lead tại Twitter và Instagram, thực hiện, và đặt tên là "Strong Opinion, Weekly Held". Vấn đề của chiến lược này không nằm ở việc thực hiện (dễ!), mà nằm ở sự can đảm của bạn để từ bỏ lựa chọn còn lại và tự tin thay đổi lựa chọn trước mặt những người đã tin là bạn đã suy nghĩ rất kĩ. Đây lại là thứ mà hai người directors mình từng có cơ hội được làm việc chung biết làm, và làm rất nhiều (mình kể về trải nghiệm đó tại đây).
—
Từ ngày biết tới Blended Reasoning và A Single Decisive Reason, mình biết cách phát hiện khi nào một ai đó đang thực sự tự tin với quyết định của họ, và khi nào không. Mình nghĩ đây là một bộ lọc tốt để lựa chọn lời khuyên hoặc lời đề xuất một cách đúng đắn.
Hai công cụ này không giúp mình đỡ ghét sự thiếu chắc chắn. Nhưng được cái, trong 20-30% trường hợp, mình đã cảm thấy tự tin và yên tâm hơn với quyết định của bản thân rất nhiều.
Sự yên tâm là một thước đo cho quyết định sáng suốt.
—
Mình biết rằng nhiều bạn subscribers của mình có đọc và nghiên cứu nhiều về việc đưa ra quyết định một cách hiệu quả. Nếu được, bạn có thể chia sẻ phương pháp bạn đang sử dụng cho mình biết với được không? Tên một cuốn sách hay đường link tới một bài viết cũng sẽ hữu ích lắm lắm 🙏
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc thư. Đừng ngại chia sẻ lá thư này tới bạn bè nếu bạn thấy nó hữu ích nhé 🫶
Thêm nữa, nhớ reply newsletter này nếu như bạn đã học được một điều gì đó mới, hay lá thư đã làm cho bạn có một suy nghĩ gì đó. Mình sẽ rất vui được lắng nghe!
(*๑˘◡˘)
Chúc bạn một ngày Chủ Nhật thư giãn, và một tuần mới đầy năng suất!
Thân,
Tuấn Mon
Thề là cứ mỗi lần mua đồ giảm giá em toàn check lại sau khi nhận hàng giá món đó xem có rẻ như em đã mua không =)))
bài này làm chị nhớ đến chuyện chọn mục tiêu năm, đúng là nhìn một mớ chị không chọn được, khi đặt từng hai cái với nhau thôi, thì chị mới bắt đầu chọn được