Chào buổi tối!
Chúc bạn có một giáng sinh an lành, và nếu bạn mở email này hơi muộn, thì chúc mừng năm mới!
Năm 2024 trôi qua nhanh hơn mình nghĩ. Cũng phải thôi, cứ 1-2 tháng là mình lại phải (/được?) đi công tác, chưa kể những cuộc họp đêm, những presentation lúc 3-4 giờ sáng, dăm chuyến du lịch tới các vùng đất mới.
Sự bận của năm nay có đôi phần khác so với sự bận của năm ngoái, và cả sự bận của năm 2022 nữa. Nếu bạn hỏi, khác như thế nào, thì dưới đây là một vài suy nghĩ phản tư thô ráp của mình về sự bận rộn của năm nay.
Bài viết tuần này: Inertia

Có một quan sát thú vị: gần như bài viết nào của mình cũng có liên quan tới sự bận rộn. Lúc nào mình cũng phải làm một cái gì đó (#125: công việc hoàn thành, suy nghĩ hoàn hảo), hay tối ưu hoá một cái gì đó (#130: optimize for daily happiness, #131: cách mình làm được nhiều việc hơn), hoặc takeaway được một bài học từ một câu chuyện gì đó (#132: mình học được gì sau một tuần làm việc với 2 directors từ sáng tới tối?)
Lần đầu tiên mình viết về sự bận rộn là cách đây 2 năm, khi chỉ có khoảng 2000 người đọc mỗi tuần. Lúc đó, mình viết để “phản kháng” lại lời chê bai rằng mình quá bận rộn. Lý do mình đưa ra khi ấy là vì mình thích “bận rộn theo đuổi sự năng suất trong cuộc sống.”
Giờ đây, mình nhận ra thêm một lý do quan trọng khác: vì sự bận rộn là một công cụ hiệu quả để chống lại tính ì (Inertia).
⟡
Inertia
Khi công việc chậm lại do các kỳ nghỉ lễ nối đuôi nhau, mình nhận thấy bản thân ì ạch hơn: ít chủ động hơn, ít hoạt bát hơn, nói ít hơn – không chỉ trong công việc mà cả trong cuộc sống. Thực ra, đây không phải lần đầu mình cảm thấy như vậy. Mình đã từng tham gia nhiều sự kiện networking, gặp được các diễn giả rất giỏi. Nhưng cuối cùng, mình lại ra về thay vì tới nói chuyện với họ sau sự kiện. Hay trong các buổi họp, mình có rất nhiều ý tưởng hay, nhưng im lặng cho tới khi phải chạy sang cuộc họp khác.
Nếu được hỏi, mình có nghĩ gặp diễn giả hay phát biểu trong buổi họp là quan trọng không? Câu trả lời là: CÓ. Nhưng mình đã không làm thế. Mình cũng không nghĩ về việc tại sao mình lại không làm thế. Điều buồn cười là mình cũng không cảm thấy hối tiếc vì vuột mất những cơ hội đó.
Inertia đã cản trở mình, mà mình thậm chí không nhận ra.
“Inertia: the inherent property of a body that makes it oppose any force that would cause a change in its motion.”
"Tính ì": một phản ứng tự nhiên của cơ thể để chống lại bất kỳ lực nào làm thay đổi trạng thái chuyển động.
⟡
Mình nghĩ rằng Inertia và Procrastination (trì hoãn) không giống nhau. Inertia là không làm một điều gì đó, ngay cả khi chúng ta nhìn thấy có vấn đề. Inertia là khi biết bạn mình có chuyện buồn nhưng không nhắn tin hỏi thăm. Là nhìn thấy căn nhà bừa bộn nhưng không dọn dẹp. Là không đi tập thể dục ngay cả khi có thời gian. Là thấy một vấn-đề-mà-bạn-có-khả-năng-giải-quyết nhưng không đề xuất với sếp.
Inertia đơn thuần là sự bất động, bất động một cách tự nhiên mà không có hối tiếc hay suy nghĩ lại.
Trong khi đó, Procrastination là một sự lựa chọn. Một procrastinator sẽ nghĩ "Ui mình phải làm điều A, nhưng vì {lý-do-X-Y-Z}, thôi để sau", trong khi một người có Inertia lớn thậm chí còn chẳng nghĩ tới việc phải làm điều A.
Đối với Procrastinator, bước đầu tiên là bước khó nhất. Đối với người có Inertia lớn, thậm chí còn chẳng có bước đầu tiên. Vì vậy theo mình cái đáng lo ngại hơn phải là Inertia. Vì chúng ta còn không biết hình hài của nó thế nào.
⟡
Newton có một định luật rất hay: “An object at rest stays at rest, and an object in motion stays in motion.” Đây là lý do vì sao chúng ta cảm thấy tràn đầy năng lượng và muốn làm nhiều việc hơn ngay sau khi tập thể dục. Movement creates movement.
Thật buồn cười là hôm nào mình có rất nhiều cuộc họp ở công ty, mình lại rất hăng hái đi tập sau giờ làm. Nhưng hôm nào rảnh rang, về nhà lại chỉ muốn nằm nghỉ. Điều đó khiến mình nhận ra rằng bận rộn không chỉ giúp mình đạt được nhiều hơn mà còn giảm tính ì trong cả cuộc sống.
Mình bị ấn tượng bởi tuýp người hành động, tuýp người "my life my way". Dĩ nhiên, làm việc với họ cực kì khó chịu. Nhưng họ sở hữu cho mình một quán tính rất lớn. Inertia gần như bằng 0. Họ năng động và họ hoạt bát và họ đưa ra quyết định rất nhanh. Mình từng viết về 2 người như thế trong bài này: #132: mình học được gì sau một tuần làm việc với 2 directors từ sáng tới tối? Họ là những "object in motion stays in motion"
⟡
Một câu hỏi mà mình và rất nhiều bạn bè từng thắc mắc: Vì sao ngày xưa bọn mình có thể dậy từ 4-5h sáng, đi học cả ngày, làm bài tập đến đêm, mà vẫn có thời gian tham gia câu lạc bộ, thậm chí tán tỉnh nhau? Còn bây giờ, chỉ đi làm thôi, ăn uống đầy đủ, mà lại chẳng có năng lượng làm gì khác?
Mình nghĩ câu trả lời nằm ở Inertia. Ngày đó, quán tính lớn vì có nhiều thứ kéo chúng ta đi: deadline, thời gian biểu chặt chẽ, sự thất vọng của thầy cô… Bây giờ lượng quán tính đó không còn, chúng ta là người tự kéo mình đi.
⟡
Mình vẫn hay đọc/nghe về những tấm gương vượt khó để thành công, nhưng mình chưa bao giờ thấy những câu chuyện về những người từ lười biếng trở nên chăm chỉ hơn và thành công, hoặc là những người bình thường dần dần xây dựng được quán tính trong cuộc sống.
Mình thích (hoặc là cần) đọc câu chuyện thứ 2 hơn.
Mình cho rằng sự khó khăn vừa là lực cản, vừa là lực đẩy. Những người ở trong hoàn cảnh khó khăn phải đấu tranh với sự thiếu thốn và áp lực mỗi ngày, cơ thể và bộ não của họ có quán tính lớn giúp họ tiến lên. Họ luôn cháy, luôn tỉnh, luôn sẵn sàng.
Ở phần cuối của cuốn Influence: The Psychology of Persuasion, có rất nhiều thí nghiệm chứng minh rằng con người chúng ta mong muốn một thứ nhiều hơn nếu có một thế lực (lớn) bên ngoài ngăn cản chúng ta có được thứ đó. So với những người có sự tự do tuyệt đối để chạm đến thứ họ muốn, thì những người bị ngăn cản hay gặp phải thử thách, sẽ thường bỏ nhiều công sức ra hơn để đạt được nó.
Chắc gì Romeo và Juliet đã sống chết yêu nhau nếu gia đình không cấm cản, bởi ngày nay có hẳn thí nghiệm khoa học cho thấy mấy cặp đôi mà gặp phải nhiều rào cản thường yêu nhau nhiều hơn và sẵn sàng hành động liều lĩnh để đến với nhau hơn. Cụ Shakespeare chính ra cũng khoa học phết.

⟡
Ngày xưa, mình nghĩ rằng cần một lý do chính đáng để bắt đầu làm điều gì đó. Ví dụ, đi tập gym là vì muốn cải thiện sức khỏe, chứ không phải vì muốn trở nên hấp dẫn hơn trong mắt crush. Học thêm tiếng Nhật là vì muốn đi du học, chứ không phải vì muốn hiểu thêm về văn hoá (anime/manga 🫣) nước này.
Nhưng bây giờ, mình nhận ra lý do bắt đầu không quan trọng bằng việc hành động. Nếu không bắt đầu, Inertia sẽ ngày càng cao. Mình sẽ không chỉ không làm điều mà mình đang cần tìm lý do, mà mình sẽ không làm những điều khác ngay cả khi mình có lý do chính đáng. Vì vậy, với những việc nhỏ và ít hệ quả nghiêm trọng, mình thường chọn làm luôn, dù đôi khi đi ngược với các phương pháp quản lý năng suất của mình.
Bởi vì, quán tính cũng là một công cụ của năng suất.
⟡
Giảm Inertia?
Mình nghĩ về câu hỏi này ngày càng nhiều dạo gần đây, khi cuộc sống đang rơi vào quỹ đạo của sự ổn định. Mình khao khát được trở thành một người năng nổ, hoạt bát và chủ động hơn trong mọi thứ. Mình muốn đầu óc lúc nào cũng nảy số sáng tạo. Mình muốn là một người bạn không chỉ đang cố gắng duy trì các mối quan hệ mà luôn vun vén chúng trở nên tốt hơn.
Mình đọc được ở đâu đó, rằng bố mẹ chúng ta chăm chỉ làm việc nhà không phải là vì bố mẹ thích làm việc nhà, mà vì bố mẹ muốn những đứa con có một cuộc sống ngăn nắp và thuận lợi. Trong trường hợp này, đứa con là lực kéo, chứ chưa chắc là sự bừa bộn của ngôi nhà.
Mình luôn chọn ở cạnh những người có Inertia thấp, vì họ sẽ rủ mình làm những việc mình ít khi tự làm, và động viên mình làm những việc mình không-nghĩ-ra-nhưng-nên-làm. Copy việc họ làm cũng là một cách xây dựng quán tính. Có một ai đó nhắc nhở và kéo chúng ta đi không có nghĩa là chúng ta chây ì lười nhác hay thiếu tính nguyên bản. Chúng ta chỉ cần một bước đầu tiên, và quán tính sẽ hoàn thành nốt phần còn lại.
⟡
Kéo người khác đi cũng là một cách để xây dựng quán tính. Bạn có ai đang cần hoàn thành một mục tiêu gì đó mỗi ngày/tuần hay không? Mình phỏng đoán rằng các bạn Student Success Leader của khoá học Writing On The Net (mà mình đã dạy trong suốt 2 năm qua) thích công việc đó, là vì động viên và nhắc nhở học viên hoàn thành bài tập cũng là cách các bạn giảm Inertia của chính mình, và do vậy các bạn làm được nhiều thứ hơn trong cuộc sống.
⟡
Với mình, giữ cho bản thân được luôn luôn bận rộn - hay nói đúng hơn là luôn có một cái gì đó cần mình đầu tư thời gian và sự tập trung vào - cũng là một cách hay để giảm Inertia. Có lẽ mấy productivity influencer tạo ra morning routine với đủ thể loại việc nối tiếp nhau, từ tắm nước lạnh, chạy bộ, uống cafe, viết journal, cũng là để tạo ra một lượng quán tính đủ lớn để ngày làm việc của họ trở nên hiệu quả hơn.
⟡
Thời gian cũng là một lực kéo rất lớn với cá nhân mình. Mình bị ám ảnh với mỗi giây qua đi mà mình không làm được điều gì đó. Thế nên, Pomodoro, tuy đơn giản, lại là một phương pháp tuyệt vời để vượt qua Inertia trong những lúc cạn kiệt năng lượng. Đó chính là cách mình có thể học/làm việc buổi tối sau một ngày đi học/đi làm mệt mỏi.
⟡
Nếu bạn có một tham vọng gì đó, và một tá việc muốn-nhưng-chưa-làm, câu trả lời có thể không nằm ở bản thân tham vọng hay công việc đó. Có thể, cuộc sống của bạn chưa đủ quán tính. Bạn vẫn còn nhiều Inertia. Có thể, làm nhiều thứ khác không liên quan, sẽ là lời giải. Cũng đáng thử nghiệm đấy chứ. Mình không thích khi rất nhiều video trên mạng khư khư bám vào chiếc “chìa khoá vạn năng cho mọi thứ”, đó là chúng ta phải "Start with why", phải hiểu tại sao chúng ta đang làm một thứ gì đó. Nhưng như những ví dụ mình kể ở trên, biết rất rõ vì sao một thứ lại quan trọng không có nghĩa chúng ta sẽ làm nó, và làm nó đều đặn. Vì nếu thế sẽ chẳng có ai là không tập thể thao, và các cuốn sách self-help cũng chẳng bán chạy đến vậy.
Có thể, để làm được nhiều hơn, chúng ta cần làm nhiều hơn
(?)
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc thư. Đừng ngại chia sẻ lá thư này tới bạn bè nếu bạn thấy nó hữu ích nhé 🫶
Thêm nữa, nhớ reply newsletter này nếu như bạn đã học được một điều gì đó mới, hay lá thư đã làm cho bạn có một suy nghĩ gì đó. Mình sẽ rất vui được lắng nghe!
(*๑˘◡˘)
Chúc bạn một buổi tối vui vẻ và một tuần mới năng suất! Hẹn gặp lại bạn trong năm 2025!
Thân,
Tuấn Mon
Bài đánh trúng tim đen (hự hự) và rất bổ ích (yeahh đúng là NĐH). Trước c cũng hay cố làm vì thấy là cứ bắt đầu rồi sẽ có momentum đi tiếp, nhưng chưa hề nghĩ sâu sắc về chuyện hành động. Cảm ơn thầy Tuấn Mon rất nhiều.
Em cảm ơn anh Tuấn Mon vì 1 bài viết rất thích hợp để ngồi chiêm nghiệm vào ngày cuối năm này <3. Em thấy từ "ỳ" đúng kiểu miêu tả được chính bản thân mình thay vì từ "trì hoãn". Tuy nhiên em ko nghĩ là "một người có Inertia lớn thậm chí còn chẳng nghĩ tới việc phải làm điều A" mà là họ vẫn biết phải làm A, làm B nhưng Inertia quá lớn kéo họ không thể bắt đầu nổi, dần dần nó không còn là trì hoãn nữa mà là không làm luôn ạ ^^
Em cũng thích cách anh nói về quán tính, nó giải đáp cho em thắc mắc bấy lâu nay vì sao có những hôm bản thân làm được việc chăm chỉ từ sáng tới tối siêu năng suất, mà có những hôm được nghỉ lại chẳng làm được gì.
Em cảm ơn anh Tuấn Mon lần nữa vì bài viết này và chúc anh một năm mới 2025 tràn đầy vui vẻ và ngày càng nhiều quán tính tích cực nha ạ